icon icon icon icon
REHA YOGA Tìm kiếm

Bệnh học

_banggia

THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM CỔ C5 C6: NGUYÊN NHÂN, DẤU HIỆU VÀ PHÒNG NGỪA

Người đăng: Bùi Hương -
1.Thoát vị đĩa đệm cổ làgì?
Thoát vị đĩa đệm cổ là tình trạng một hay nhiều đĩa đệm ở giữa những đốt sống cổ bị hư hại, trượt ra khỏi vị trí ban đầu, gây chèn ép lên tủy sống và những dây thần kinh trong ống sống, dẫn đến tình trạng đau nhức và rối loạn cảm giác tại chỗ.



Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ gây ra các cơn đau cổ vai gáy. 90% thường thoát vị tại tầng C5-C6 và C6-C7.
Nguyên nhân đĩa đệm đốt sống cổ bị thoát vị có thể là do các chấn thương, sinh hoạt sai tư thế, sự lão hoá của các sợi collagen, yêu cầu công việc phải vận động vượt quá giới hạn hay tư thế  ngồi làm việc xấu làm gò bó, rung xóc…
Theo cơ chế sinh học, một đĩa đệm đã bị thoát vị sẽ không thể điều trị khỏi hoàn toàn, rất khó trở về trạng thái ban đầu, ngay cả khi can thiệp phẫu thuật. Tuy nhiên, đối với các trường hợp áp dụng đúng phương pháp điều trị, người bệnh khả năng phục hồi tốt lên tới 80 – 90%.



2. Các giai đoạn thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ
Thoát vị đĩa đệm cổ được chia thành 4 giai đoạn:
  • Giai đoạn 1: Đĩa đệm bắt đầu bị biến dạng. Vòng bao xơ chưa bị rách. Đôi khi, người bệnh có thể bị tê tay và chân. Bệnh ở giai đoạn này không gây đau nhức. Vì thế, phần lớn người bệnh rất khó phát hiện mình đang mắc bệnh.
  • Giai đoạn 2: Vòng xơ đã bị rách một phần. Nhân nhầy bắt đầu thoát ra ngay chỗ vòng xơ suy yếu. Đĩa đệm đã phình to. Tuy nhiên, người bệnh vẫn chưa cảm nhận cơn đau rõ ràng.
  • Giai đoạn 3: Vòng xơ đã bị rách toàn phần. Nhân nhầy lồi ra ngoài, gây chèn ép lên rễ thần kinh. Phần lớn khi đến giai đoạn này, người bệnh mới bắt đầu chú ý đến việc điều trị vì đã trải qua sự hành hạ của cơn đau.
  • Giai đoạn 4: Tình trạng chèn ép rễ thần kinh đã diễn ra lâu ngày, dẫn tới nhiều biến chứng nghiêm trọng. Các cơn đau nhức dữ dội, dai dẳng gây tác động tiêu cực tới sức khỏe và tâm lý của người bệnh.
3. Triệu chứng thoát vị đĩa đệm cổ C5 C6
 * Dấu hiệu lâm sàng
  • Đau nhức cổ diện rộng: Cơn đau khởi phát tại 1 hay 2 đốt sống cổ, sau đó lan đến vùng bả vai, cánh tay hay lan lên sau đầu, hốc mắt.
  • Tê ở tay và chân: khối thoát vị chèn ép lên tủy sống, người bệnh sẽ có cảm giác tê từ cổ ra toàn thân rồi lan tới chân tay. Nếu chèn ép xảy ra tại dây thần kinh, người bệnh chỉ có cảm giác tê ở vùng cánh tay, bàn và ngón tay.
  • Hạn chế vận động: Cổ và cánh tay bị hạn chế tầm vận động, không thể đưa tay ra sau lưng hay giơ tay lên cao; khó khăn trong việc cúi ngửa hay quay cổ. Ngoài ra, người bệnh có thể gặp khó khăn khi đi bộ, có cảm giác căng cứng bắp chân khi đi bộ.
  • Yếu cơ: Tình trạng xảy ra khi khối đĩa đệm chèn ép lên tủy sống. Cơ chân sẽ bị suy yếu trước cơ tay. Tình trạng này khiến người bệnh đi lại không vững, dáng đi xiêu vẹo. Khi tình trạng yếu cơ tiến triển nặng, người bệnh sẽ thấy các thớ cơ vùng đùi và bắp chân rung lên mỗi khi vận động quá sức.
Dấu hiệu khác: Khi bị trượt đĩa đệm cột sống cổ, người bệnh có thể xuất hiện một số triệu chứng khác như đau một bên lồng ngực, táo bón, khó tiểu, khó thở.
*Cận lâm sàng
 - MRI có thể thấy:
Đĩa đệm nằm sai vị trí, có thể chèn ra trước, sau hay vào thân đốt sống.
Khối nhân nhầy bị thoát ra khỏi vị trí thông thường.
Rễ dây thần kinh hay tủy sống cổ bị chèn ép.
  • Triệu chứng tăng theo cấp độ
Bệnh  về đĩa đệm đốt sống cổ sẽ đặc trưng với 3 cấp độ tương ứng, mức độ và tần suất tăng dần theo tình trạng bệnh.
  • Cấp độ I: Người bệnh ban đầu thấy cứng đốt sống cổ, khó xoay chuyển, hơi đau mỗi khi cúi xuống. Cơn đau dần lan xuống vai, đau tăng khi làm việc nặng, mức độ tăng dần theo ngày.
  • Cấp độ II: Nguyên nhân thoát vị đĩa đệm cổ không rõ ràng. Cơn đau có thể xuất hiện từ gáy ra sau đầu và tai. Các vận động liên quan tới cổ bị vướng và đau, có khi bị vẹo cổ.
  • Cấp độ III: Người bệnh có thể nhức đầu tại vùng chẩm, vùng trán, đau từ gáy lan đến bả vai. Đau, tê bì một bên hay cả hai cánh tay, mất cảm giác khéo léo ở bàn tay. Đôi khi xuất hiện triệu chứng nấc cụt, ngáp chảy nước mắt, chóng mặt khi hoạt động.
4.Nguyên nhân thoát vị đĩa đệm cột sống cổ
  • Tuổi tác: Theo thời gian, đĩa đệm dễ bị thoát vị hơn do hao mòn. Khi trẻ, đĩa đệm có rất nhiều nhân nhầy. Tuy nhiên, khi càng lớn tuổi, lượng nhân nhầy trong đĩa đệm giảm dần. Tình trạng này khiến đĩa đệm kém linh hoạt hơn. Lúc này, khi người bệnh di chuyển hay vặn cổ, đĩa đệm có nguy cơ bị rách hoặc thoát vị rất cao.
  • Di truyền: Di truyền cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ gặp phải tình trạng này. Nếu trong gia đình bạn có người bị thoát vị đĩa đệm cổ, bạn có khả năng cao bị mắc bệnh.
  • Lối sống thiếu lành mạnh: Các thói quen xấu như hút thuốc lá, lười vận động và dinh dưỡng không đủ có thể góp phần khiến sức khỏe của đĩa đệm suy yếu. Do đó cần tránh xa hay thay đổi các thói quen xấu này.
  • Mắc chấn thương hoặc tai nạn: Chấn thương tác động mạnh vào cột sống, khiến các chất nhầy trong đĩa đệm bị thoát ra ngoài, gây chèn ép lên tủy sống hoặc rễ thần kinh xung quanh.
  • Tư thế sai: Tư thế sai kết hợp vận động không chính xác có thể gây áp lực lớn lên cột sống cổ. Ngoài ra, những người lao động bốc vác hoặc phải thường xuyên chịu lực lớn lên cột sống cổ cũng là nhóm đối tượng có nguy cơ gặp các vấn đề ở đĩa đệm rất cao.


5.Biến chứng thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ
Tình trạng thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ có thể ảnh hưởng trực tiếp tới những hoạt động xoay cổ và đầu. Phần lớn trường hợp đau cánh tay do thoát vị đĩa đệm cổ được kiểm soát bằng thuốc và điều trị bảo tồn, không phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu bỏ qua giai đoạn vàng khi khởi phát, người bệnh có thể đối mặt với những biến chứng nghiêm trọng:
  • Tàn phế suốt đời: Biến chứng này có thể xảy ra do người bệnh bị liệt khi tình trạng thoát vị đĩa đệm  cột sống cổ chèn ép lên tủy sống cổ.
  • Hẹp ống sống: hẹp ống sống cổ làm xuất hiện những triệu chứng từ nhẹ tới nặng như đau đốt sống cổ trầm trọng, đau hay tê tại vai, bả vai, cánh tay, có thể gây yếu cơ. Những triệu chứng này tương tự đau thần kinh tọa. Cơn đau sẽ thuyên giảm khi vùng cổ vai gáy được giảm áp lực như khi nằm, cúi gập thả lỏng người. Tuy nhiên, cơn đau sẽ trở lại nếu người bệnh duy trì tư thế lưng thẳng.
  • Thiếu máu não, thiểu năng tuần hoàn não: Đĩa đệm bị thoát ra khỏi vị trí bình thường sẽ gây chèn ép lên hệ thống động mạch đốt sống thân, dẫn tới tình trạng thiếu máu não.
  • Chèn ép rối thần kinh cánh tay: Những rễ thần kinh này xuất phát từ tuỷ cổ đi qua lỗ liên hợp. Vì thế, khi đĩa đệm bị lệch khỏi vị trí sẽ gây chèn ép lên tuỷ sống hoặc chèn lên những lỗ liên hợp, dẫn đến tình trạng chèn ép các dây thần kinh ở khu vực này. Người bệnh sẽ có các biểu hiện như đau mỏi vai gáy, co cơ lan truyền xuống một hay cả hai cánh tay, đau kèm theo tê bì hay teo cơ cánh tay.
  • Hội chứng chèn ép tuỷ: Thoát vị đĩa đệm cổ là một trong những nguyên nhân phổ biến của hội chứng chèn ép tủy. Nếu trì hoãn điều trị, người bệnh có nguy cơ tàn tật vĩnh viễn, thậm chí là tử vong.
  • Hội chứng rối loạn thần kinh thực vật: Biến chứng này khiến người bệnh chóng mặt, ù tai và mất thăng bằng. Một số trường hợp có thể bị đau ở phần hốc mắt, mắt mờ từng cơn. Người bệnh bị đỏ mặt đột ngột, vã mồ hôi, hạ huyết áp, đau ngực từng cơn, tăng nhu động ruột, thực quản bị chèn ép, gây khó nuốt.
  • Đau lan rộng: Các cơn đau nặng có thể lan dọc cột sống xuống toàn bộ lưng đến mông, đùi và cẳng chân, làm suy yếu các bộ phận này.
Đây là các biến chứng có thể xảy ra khi người bệnh thoát vị đĩa đệm cổ không điều trị kịp thời và dứt điểm. Do đó, việc thăm khám và chữa trị sớm tại các cơ sở y tế uy tín sẽ giúp kiểm soát bệnh tốt hơn, ngăn ngừa những những rủi ro đến sức khỏe.
6.Phương pháp chẩn đoán
1. MRI
Đây là phương pháp chẩn đoán hình ảnh được lựa chọn đầu tiên khi chẩn đoán thoát vị đĩa đệm cổ. Độ chính xác thấp hơn Myelography-CT nhưng là xét nghiệm không xâm lấn. Với các bệnh lý ở tủy, MRI có giá trị chẩn đoán trên 95%.
2. CT VÀ Myelography-CT
Bác sĩ thường chỉ định chụp CT và Myelography-CT khi không thực hiện được MRI hoặc khi kết quả MRI không đủ chẩn đoán hoặc khi cần xem chi tiết xương.
CT: Giúp xem rõ tại tầng C5-6, ít rõ hơn tại tầng C6-7 và không rõ tại tầng C7-T1.
Myelography-CT (chất cản quang trong nước): Đây là xét nghiệm xâm lấn. Người bệnh cần nhập viện. Chẩn đoán chính xác bệnh thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ lên đến 98%.
7. Điều trị
 *  Điều trị nội khoa
Điều trị nội khoa thoát vị đĩa đệm cột sống cổ gồm:
Dùng thuốc giảm đau, chống viêm, làm mềm cơ và giảm đau thần kinh.
Với các trường hợp thoát vị đĩa đệm cổ nặng, bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng corticoid kết hợp vật lý trị liệu.
Vật lý trị liệu sẽ bao gồm các phương pháp như sóng ngắn, sóng dài, siêu âm, xoa bóp và kéo giãn cột sống cổ. Để điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ hiệu quả và tránh chấn thương, người bệnh không tự ý kéo giãn tại nhà, không thực hiện tại các nơi không có giấy phép về tập phục hồi chức năng.
  • Điều trị ngoại khoa
Sau khoảng 6 – 8 tuần điều trị nội khoa không hiệu quả, bác sĩ sẽ cân nhắc chuyển sang điều trị ngoại khoa. Các lựa chọn phẫu thuật:
  •  Lấy đĩa đệm lối trước
  •  Tiếp cận lối sau
  •  Phẫu thuật cắt đĩa đệm, cố định, hàn xương liên thân đốt lối trước (ACDF)
Chăm sóc hậu phẫu:
Lượng máu máu tụ sau mổ nhiều, cần mổ lại cấp cứu khi đường thở bị chèn ép.
Yếu cơ do rễ thần kinh chi phối tại tầng phẫu thuật.
Dấu hiệu chèn bó dọc dài (dấu Babinski…), bị chèn ép do máu tụ ngoài màng cứng tủy sống.
Nếu có ghép xương, mảnh ghép bị lồi ra trước chèn vào thực quản, cần chụp X-quang cột sống cổ nghiêng để kiểm tra.
Khàn tiếng: Có thể bị liệt dây thanh âm do tổn thương thần kinh quặt ngược thanh quản.
  •  Giải ép cột sống cổ lối sau
  •  Mở lỗ liên hợp lối sau (keyhole laminotomy)
8. Phòng ngừa thoát vị đĩa đệm cổ
Để đảm vệ sức khỏe, bạn nên chủ động phòng ngừa bệnh thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ ngay từ đầu bằng một số thói quen sống  và sinh hoạt lành mạnh:
  • Rèn luyện thể chất thường xuyên với cường độ phù hợp.
  • Kiểm soát tốt cân nặng, tránh thừa cân, béo phì.
  • Thực hiện tư thế đúng trong sinh hoạt và lao động.
  • Chế độ ăn đảm bảo bổ sung đủ dưỡng chất cho cơ thể.
  • Không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng thức uống chứa cồn.
  • Thường xuyên khám sức khỏe định kỳ, ít nhất 6 tháng/lần.
Thoát vị đĩa đệm cổ là tình trạng nguy hiểm, cần có biện pháp can thiệp sớm. Vì thế, người bệnh ngay khi có triệu chứng bất thường ở cổ nên nhanh chóng đi tới những cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, chẩn đoán, từ đó có hướng điều trị kịp thời, ngăn ngừa bệnh tiến triển nghiêm trọng.
 

Bệnh học liên quan

Xem thêm