icon icon icon icon
REHA YOGA Tìm kiếm

Bệnh học

_banggia

VIÊM GÂN GÓT (Viêm gân Achilles)

Người đăng: Bùi Hương -
VIÊM GÂN GÓT (Viêm gân Achilles)
Viêm gân gót hay còn gọi là viêm gân Achilles là bệnh lý viêm gân ở vùng gót chân, thường phổ biến trong số các vận động viên điền kinh hoặc hay gặp ở người có thói quen mang giày cao gót.

I. ĐẠI CƯƠNG VIÊM GÂN GÓT
- Viêm gân gót hay còn gọi là viêm gân Achilles là bệnh lý viêm gân ở vùng gót chân, thường phổ biến trong số các vận động viên điền kinh hoặc người có thói quen mang giày cao gót. Chức năng của gân Achilles là liên kết các cơ bắp chân với xương gót, thông qua đó khi chạy, các cơ bắp chân giúp nâng bàn chân lên. Với việc lặp đi lặp lại các lực khi chạy cùng với thời gian hồi phục không đủ gây ra viêm quanh gân (mô mỡ bao quanh gân). Bệnh viêm gân gót biểu hiện đau khu trú và sưng quanh điểm bám gân, thường hay tái phát, thậm chí luôn có nguy cơ đứt từng phần hoặc hoàn toàn khi lực căng đột ngột.

- Nguyên nhân: viêm gân gót phần lớn do hoạt động quá mức bàn chân như nhảy, đi giày cao gót,… Ngoài ra một số bệnh lý toàn thân như viêm khớp dạng thấp, đái tháo dường hoặc do dị tật lệch trục xương gót bẩm sinh cũng gây nên tình trạng viêm gân gót.
- Tiến triển của viêm gân: Đa số các bệnh nhân đáp ứng tốt với điều trị nội khoa (90 – 95%) song tỉ lệ tái phát còn cao, nhất là đối với người bệnh không thực hiện các biện pháp phòng bệnh hoặc không loại bỏ được yếu tố nguy cơ gây bệnh.
- Đau gót chân và bàn chân theo YHCT được mô tả trong chứng tý với nguyên nhân là do 3 thứ khí phong hàn thấp vào tích tụ lâu ngày trong cơ thể, mà cơ thể lại có can thận bất túc: Can hư không nuôi dưỡng được Cân mạch, Thận hư không làm chủ được cốt tủy, hư nhiệt kết hợp với khí trệ huyết ứ do tà khí tích tụ gây bế tắc làm cho gót chân sưng đau không vận động được, nghỉ ngơi thấy đỡ.

II. CHẨN ĐOÁN VIÊM GÂN GÓT
Bệnh được chẩn đoán với các triệu chứng lâm sàng và phối hợp với cận lâm sàng như sau:
1. Lâm sàng viêm gân gót
- Triệu chứng đau là triệu chứng nổi bật, đau vùng gân gót, đau từng lúc hoặc liên tục cả ngày lẫn đêm, đau nhiều khi đi lại và khi kiễng chân, đau nhức nhối hoặc đau chói làm hạn chế vận động. Có thể nghe thấy tiếng cót két tại gân bị tổn thương.
- Khám gân gót thấy sưng rõ, ít nóng đỏ, sờ có thể thấy nổi cục, ấn đau; gấp duỗi mạnh bàn chân thì đau tăng; cơ lực của cơ bụng chân có thể giảm so với bên lành do đau.
- Trường hợp nặng có đứt gân từng phần hoặc toàn bộ làm người bệnh rất đau và mất khả năng đi bộ, không đứng được trên các ngón chân, thử test Thompsom thấy bất thường: cho người bệnh nằm sấp, hai chân để tự do (không tỳ vào vật gì). Bác sĩ dùng tay đè lên bắp chân người bệnh. Nếu không có đứt gân gót thì bàn chân sẽ duỗi nhẹ, nếu có đứt gân gót thì bàn chân không cử động và có thể thấy có chỗ lõm xuống dọc gân gót (so với bên lành).

2. Cận lâm sàng viêm gân gót
- Xét nghiệm máu: nhìn chung không có thay đổi trừ những trường hợp viêm gân hoặc bao gân trong các bệnh lý khác.
- Chụp X-quang: hầu như không có hình ảnh bất thường nếu chỉ viêm gân thông thường, Xquang chỉ có vai trò chẩn đoán phân biệt với các tổn thương ở xương gót. Đôi khi trên phim nghiêng có thể thấy hình ảnh gân gót phồng to nhờ sự tương phản với tổ chức mỡ bao quanh gân.
- Siêu âm gân gót thấy tăng kích thước, giảm đậm độ siêu âm do phù nề trong gân, bao gân dầy lên, có thể có tụ dịch ngoài bao gân.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): tăng kích thước gân gót, bao gân dầy, có thể đứt gân từng phần hoặc toàn bộ (biểu hiện bởi các ổ bất thường tín hiệu trong gân). MRI cũng giúp cho chẩn đoán phân biệt với các tổn thương khác vùng cổ chân

III. ĐIỀU TRỊ DÙNG THUỐC
A. THEO YHHĐ: Dùng các thuốc giảm đau như NSAIDs (đường uống, bôi tại chỗ), thuốc giảm đau acetaminophene và giãn cơ, tiêm corticoid tại chỗ. Các thuốc giúp giảm đau nhanh nhưng dễ gây tác dụng phụ và biến chứng trên người bệnh. Chúng ta cũng cân nhắc phẫu thuật nếu điều trị nội khoa thất bại hoặc đứt hoàn toàn gân Achilles cần phải phẫu thuật ngay.

B. THEO YHCT: Dùng các bài thuốc điều trị hoạt huyết hóa ứ, trừ phong hàn thấp thông kinh lạc, bổ Can thận như Thân thống trục ứ thang, Độc hoạt tang ký sinh, Lục vị gia giảm… Hoặc các dạng thuốc viên bào chế cho dễ dùng như Bổ khí hoạt huyết, Phong thấp nang, Độc hoạt tang ký sinh… với các vị thuốc quý và không gây tác dụng phụ cho người bệnh.

IV. ĐIỀU TRỊ KHÔNG DÙNG THUỐC VIÊM GÂN GÓT
Các phương pháp vật lý trị liệu sẽ giúp ích cho bệnh nhân trong việc giảm đau ở giai đoạn cấp như cố định tạm thời gân tổn thương bằng nẹp hoặc bằng dụng cụ chỉnh hình, chườm lạnh, sóng siêu âm, sóng xung kích ngoài cơ thể.
Sau giai đoạn viêm cấp tính, xem xét luyện tập phục hồi chức năng kéo giãn gân cho bệnh nhân.
Bên cạnh đó YHCT với các phương pháp điều trị không dùng thuốc đa dạng sẽ giúp tăng cường hiệu quả điều trị như Châm cứu, Cấy chỉ, Nhĩ châm, Thủy châm, Laser châm, Xoa bóp bấm huyệt.
Ngoài ra, phần dinh dưỡng chăm sóc cần chú ý giảm hoặc ngừng vận động chân tổn thương cho tới khi hết đau, giảm cân nếu thừa cân béo phì, mang giày mềm gót bằng, tránh đi trên mặt sân cứng nhiều sỏi, mang thanh nẹp ban đêm.

V. ĐIỀU TRỊ PHÒNG NGỪA:
Để tránh bị viêm gân gót hoặc phòng ngừa tái phát sau khi khỏi bệnh, nên chú ý các vấn đề sau:
- Giảm mang vác nặng, giảm cân nếu thừa cân béo phì.
- Nên mang giày vừa vặn và có thêm miếng đệm lót chân. Trường hợp phải đi bộ lâu thì cần hạn chế đi chân đất.
- Khi vận động thể thể thao phải mang giày vừa vặn phù hợp với từng môn thể thao, khởi động cơ trước và giữ nhịp độ phù hợp trong quá trình tập.
- Nghỉ ngơi nếu cảm thấy mệt hoặc bị đau nhức cơ bắp.
 

Bệnh học liên quan

Xem thêm