icon icon icon icon
REHA YOGA Tìm kiếm

Bệnh học

_banggia

ĐAU BÀN CHÂN LÀ GÌ? NGUYÊN NHÂN, VỊ TRÍ ĐAU THƯỜNG GẶP, CHẨN ĐOÁN

Người đăng: Bùi Hương -

Đau bàn chân là tình trạng hay gặp với các dạng như đau ngón chân, đau lòng bàn chân, đau gót chân, đau mu bàn chân. Những bệnh lý này sẽ khiến người bệnh di chuyển khó khăn, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống.
Đau bàn chân là gì?
Đau bàn chân là đau ở phần bàn chân. Đây là bộ phận  rất quan trọng trong chuyển động và nâng đỡ cơ thể. Đau có thể xuất hiện ở một bên hoặc cả hai bên chân. Cơn đau gây khó chịu cho người bệnh, ảnh hưởng đến vận động, sinh hoạt hằng ngày. Khi xuất hiện đau bàn chân, bạn cần đến gặp bác sĩ để xác định nguyên nhân và nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ làm giảm chất lượng sống, dẫn đến nhiều biến chứng khó lường.

I.Nguyên nhân và các vị trí đau bàn chân thường gặp
1. Đau lòng bàn chân
Đau lòng bàn chân chủ yếu bắt nguồn từ  nguyên nhân dị tật bàn chân bẹt. Đây là tình trạng mặt lòng bàn chân bằng phẳng, không có độ lõm. Người bệnh thường bị đau nhức khó chịu ở bàn chân. Nguyên nhân gây đau là do cơ và dây chằng bị căng cơ quá mức trong thời gian dài. Ngoài ra, triệu chứng đau nhức, khó chịu có thể ảnh hưởng đến nhiều bộ phận khác trên cơ thể như cổ chân, cẳng chân, khớp gối, khung chậu và cột sống.
2. Đau mu bàn chân
Đau mu bàn chân là tình trạng mu bàn chân bị đau nhức, sưng đỏ mỗi khi cử động, đi lại. Tùy theo nguyên nhân và mức độ tổn thương, cơn đau có thể âm ỉ hay dữ dội. Đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo những bệnh lý về xương khớp  khác như gout, thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp… Ngoài ra, đau mu bàn chân còn có thể do một số bệnh lý khác như tắc nghẽn mạch máu, viêm dây thần kinh

2.1 Bệnh gút
Bệnh gút (gout hoặc  đông y gọi là thống phong) là dạng viêm khớp phổ biến. Người bệnh thường phải chịu các cơn đau đột ngột, dữ dội tại các khớp ngón chân, ngón tay, đầu gối; đi kèm là tình trạng sưng đỏ tại các khớp ảnh hưởng đến vận động, thậm chí không thể đi lại do đau.
2.2 Ngón chân hình búa
Ngón chân hình búa là dị tật ở bàn chân, ít gặp, nguyên nhân do sự mất cân bằng giữa gân cơ hoặc dây chằng (các bộ phận vận động gấp duỗi – giữ ngón chân thẳng). Tình trạng này là sự cong bất thường tại phần khớp liên đốt ngón chân. Ngón chân uốn cong ảnh hưởng tới khớp gần móng chân nhất. Người bệnh xuất hiện các triệu chứng như ngón chân uốn/ gập lại, ngón chân như hình vuốt, có nốt chai sần, không thể uốn duỗi các ngón và mất tính linh hoạt của bàn chân, di chuyển khó khăn.
2.3 Móng mọc ngược (móng quặp)
Móng quặp (móng mọc ngược hay móng chọc thịt) là tình trạng thân móng không mọc thẳng mà quặp lại như móng vuốt, cắm sâu vào phần thịt tại hai bên khóe ngón chân hoặc tay, gây đau nhức. Tình trạng này thường nhẹ, chỉ gây khó chịu trong vài ngày, không cần tới điều trị. Tuy nhiên, trường hợp nặng móng mọc ngược gây viêm, nhiễm trùng ở khoé móng, hay xảy ra ở ngón chân, đặc biệt là ngón chân cái.
2.4 Trật khớp bàn ngón cái (Turf Toe)
Trật khớp bàn ngón cái là một chấn thương ảnh hưởng tới khớp ngón chân cái. Tình trạng này xảy ra khi ngón chân cái bị uốn về phía mu bàn chân quá mức. Chuyển động này làm cho các dây chằng ở khớp bàn chân đến ngón chân cái bị căng hoặc rách. Người bệnh có thể bị đau ngón chân cái khi di chuyển hoặc thậm chí không thể đi lại. Ngoài ra, vùng xung quanh bị ảnh hưởng có thể bị sưng và bầm tím.
2.5 Bong gân ngón chân
Bong gân ngón chân là tình trạng dây chằng (cấu trúc nối giữa 2 hoặc nhiều xương quanh một khớp) bị căng dãn quá mức hoặc bị rách gây đau. Tình trạng này gây lỏng lẻo khớp. Người bệnh sẽ bị sưng đau, bầm tím và  vận động khó tại khớp ngón chân.
2.6 Gãy xương ngón chân
Tình trạng gãy xương ngón chân có thể ở nhiều mức độ khác nhau, từ vết nứt xương không di lệch tới gãy nát, di lệch nhiều. Người bệnh bị đau ngay sau chấn thương. Thường sưng và bầm tím ngón chân thường xuất hiện, tiến triển trong vài giờ đầu sau chấn thương. Biến dạng ngón chân có thể xảy ra đối với những trường hợp gãy xương di lệch, trật khớp.
2.7 Hội chứng Hallux Riddus
Hội chứng Hallux Riddus (cứng khớp ngón chân cái) là một loại viêm khớp ở gốc ngón chân cái. Người bệnh thường bị đau và cứng khớp trầm trọng hơn theo thời gian. Điều trị có thể bao gồm thuốc giảm đau và các bài tập vật lý trị liệu. Phẫu thuật có thể cần thiết trong một số trường hợp nếu điều trị nội khoa thất bại.
3. Đau gót chân
3.1 Viêm cân gan chân
Viêm cân gan chân (viêm gân gan bàn chân) là tình trạng viêm ở lớp cân bàn chân. Người bệnh thường gặp nhiều trở ngại trong sinh hoạt hằng ngày. Viêm cân gan bàn chân thường gây đau nhiều ở gót chân, đặc biệt nhất là vào sáng sớm mới ngủ dậy.

3.2 Gai gót chân
Gai gót chân (gai xương gót chân) là tình trạng lắng đọng canxi gây lồi xương tại mặt dưới của xương gót chân. Người bệnh sẽ bị đau nhói như dao đâm vào gót chân khi đứng dậy vào buổi sáng hay sau khi ngồi lâu. Gót chân ảnh hưởng sẽ bị đau nhói hoặc đau âm ỉ, đau tăng lên khi đi lại trên bề mặt cứng hay khuân vác vật nặng.
3.3 Viêm gân Achilles
Viêm gân Achilles (viêm gân gót chân) là tình trạng gân Achilles hoạt động quá mức, dẫn đến tình trạng bị quá tải, khiến vùng gót chân bị tổn thương. Hoạt động nhiều ở chân lặp đi lặp lại là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới viêm gân Achilles. Người bệnh sẽ bị đau hay cứng phần sau gót chân vào buổi sáng, tăng khi vận động chạy nhảy. Một số trường hợp có thể bị rách một phần hay đứt gân hoàn toàn.
3.4 Gãy xương gót chân
Gãy xương gót chân là chấn thương có thể xảy ra với bất kỳ đối tượng nào. Tuy nhiên thường gặp nhất là người trong độ tuổi lao động, người vận động nhiều, lao động chân tay hoặc thường xuyên phải di chuyển… sẽ có nguy cơ mắc chấn thương này cao hơn. Nguyên nhân gây gãy xương gót chân là do tác động mạnh, đột ngột như té từ trên cao xuống. Khu vực chấn thương thường bị bầm tím, sưng tấy, thậm chí là biến dạng. Tình trạng này khiến người bệnh bị đau nhiều, không thể vận động.
4. Đau cổ chân
4.1 U thần kinh Morton
U dây thần kinh morton có liên quan tới sự dày lên của các mô xung quanh dây thần kinh bàn chân. Tình trạng bệnh này gây ra cảm giác đau nhói, bỏng rát ở bàn chân của người bệnh. Ngoài ra, ngón chân có thể bị nhói, bỏng hay cảm thấy tê.

4.2 Viêm xương vừng
Viêm xương vừng là nguyên nhân thường gặp gây đau xương bàn chân. Hai xương vừng hình bán nguyệt sẽ hỗ trợ bàn chân trong quá trình vận động. Các chấn thương trực tiếp hoặc lệch vị trí xương vừng do sự thay đổi cấu trúc bàn chân (một xương vừng bị dịch ra ngoài do ngón chân cái lệch ngoài) có thể gây đau các xương vừng. Đối tượng dễ mắc chấn thương này thường là các vũ công, người chạy bộ, và những người có vòm chân cao hoặc thường xuyên mang giày cao gót.
5. Đau toàn bàn chân
5.1 Bệnh thần kinh ngoại biên
Bệnh thần kinh ngoại biên gây yếu, tê và đau ở ngoại vi như bàn tay, bàn chân. Người bệnh thường xuất hiện các triệu chứng yếu chi (không thể cầm đồ vật); cảm giác bàn chân tê bì, hoặc không nhận biết khi tiếp xúc mặt đất hoặc khi dép rớt;  đôi khi cảm thấy đau như bị dao đâm hoặc bỏng ở bàn tay và bàn chân.
5.2 Viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh viêm khớp tự miễn mạn tính. Nguyên nhân là do tổn thương xuất phát từ viêm màng hoạt dịch của khớp. Bệnh ở giai đoạn sớm có xu hướng ảnh hưởng tới các khớp nhỏ trước, nhất là các khớp ở bàn tay, bàn chân. Người bệnh sẽ thấy khớp trở nên nóng và sưng đau. Triệu chứng cứng khớp thường nghiêm trọng hơn vào buổi sáng và khi không hoạt động.
5.3 Thoái hóa khớp
Thoái hóa khớp bàn chân là tình trạng sưng, viêm tại phần xương và sụn khớp bàn chân, ngón chân. Nguyên nhân gây thoái hóa là do tình trạng hư hỏng phần sụn đệm giữa hai đầu xương, đi kèm phản ứng viêm và dịch khớp giảm sút, gây đau và cứng khớp.
5.4 Viêm gân bàn chân
Viêm gân bàn chân là tình trạng tổn thương gân vùng chân do bị kéo căng quá mức. Tình trạng này thường là do chấn thương, khiến bàn chân bị viêm và sưng. Viêm gân bàn chân có thể nhận biết bằng cảm giác đau nhẹ tại vị trí viêm, tăng dần khi chạy trong thời gian dài hoặc thực hiện những hoạt động mạnh. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể bị cứng khớp vào buổi sáng.

II.Phương pháp chẩn đoán đau nhức bàn chân
Dựa trên những triệu chứng mà người bệnh gặp phải để khám lâm sàng.
  • Thực hiện những bài kiểm tra cơ bản như giữ hay di chuyển bàn chân và cổ chân để chống lại lực cản; yêu cầu người bệnh đứng, đi bộ, chạy…
  • Chụp X-quang, chụp MRI để kiểm tra chân nhằm xác định xem có gãy xương ở chân không hay do các vấn đề khác gây đau
  • Xét nghiệm máu có thể được chỉ định nhằm loại trừ những bệnh toàn thân như viêm khớp dạng thấp, bệnh gout, đái tháo đường…
III.Cách điều trị và phòng ngừa đau bàn chân
1. Chăm sóc tại nhà
  • Nghỉ ngơi: Cho bàn chân nghỉ ngơi, tránh vận động quá mạnh tới khi cơn đau giảm hẳn. Sau đó, bạn có thể áp dụng dần dần những bài tập nhẹ nhàng tại chỗ như đi bộ, đi bước nhỏ…
  • Massage bàn chân: Đây là một trong các cách giúp giảm đau bàn chân có thể thực hiện mỗi ngày. Biện pháp này sẽ hỗ trợ lưu thông máu tới các khớp tốt hơn, giúp chân hoạt động linh hoạt, giảm đau khớp ở bàn chân hiệu quả.
  • Chườm lạnh: dùng nước đá hay đá chưa tan đập nhỏ và đặt vào trong chiếc khăn bông ẩm hay túi chườm, tránh để đá lạnh tiếp xúc trực tiếp vùng da bị tổn thương. Nhẹ nhàng xoa theo đường tròn đồng tâm trong 5 – 10 phút ở khu vực tổn thương. Lưu ý chỉ nên chườm đá dưới 20 phút.
2. Sử dụng thuốc giảm đau
Trước khi sử dụng thuốc nên tham khảo ý kiến bác sĩ để tránh các tác dụng phụ không mong muốn. Một số loại thuốc không kê đơn có thể giúp giảm viêm, đau như acetaminophen, ibuprofen, naproxen sodium.
3. Vật lý trị liệu
Phần lớn người bệnh đau bàn chân sẽ cần đến những bài tập vật lý trị liệu giúp thuyên giảm tình trạng cứng, đau khớp, giảm căng cơ, tăng sự linh động và sức bền cho xương khớp, nâng cao khả năng vận động của người bệnh.
4. Phẫu thuật
Rất hiếm trường hợp đau bàn chân cần đến phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu tất cả các phương pháp điều trị nội khoa không hiệu quả, cơn đau dai dẳng và tăng dần, bác sĩ có thể cân nhắc đến can thiệp phẫu thuật.
 

Bệnh học liên quan

Xem thêm