icon icon icon icon
REHA YOGA Tìm kiếm

Bệnh học

_banggia

LAO XƯƠNG KHỚP

Người đăng: Bùi Hương -
1. Đại cương
Lao xương khớp là tình trạng nhiễm khuẩn ở khớp và cột sống do vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis. Nam mắc bệnh nhiều hơn nữ. Viêm khớp có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào, tuy nhiên trẻ em và người lớn tuổi thường gặp hơn, đặc biệt là người suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch.


Hầu hết bệnh nhân mắc lao xương khớp là bệnh thứ phát sau một bệnh lao nào đó, phổ biến là lao phổi. Sau đó, vi khuẩn gây lao mới xâm nhập đi theo đường bạch huyết hoặc đường máu tới các xương, gây ra bệnh lao xương.
Lao cột sống chiếm khoảng ½ tổng số lao xương khớp. Đối với lao cột sống tổn thương vùng lưng và thắt lưng chiếm 90% các trường hợp. Vi khuẩn lao thường gây tổn thương hai đốt sống trên dưới và đĩa đệm ở giữa. Đây là nguyên nhân gây liệt hai chi dưới do chèn ép tủy và rễ thần kinh.


Điều trị lao xương khớp thường kết hợp nhiều kháng sinh và thời gian đủ dài để tránh kháng thuốc. Hiện nay tỉ lệ kháng thuốc ngày càng cao đặc biệt là ở đối tượng nhiễm HIV.
2. Triệu chứng
Ở giai đoạn sớm của bệnh, bệnh nhân có thể không có triệu chứng hoặc triệu chứng bệnh không rõ ràng. Vì thế, rất khó phát hiện bệnh sớm nếu không vô tình đi thăm khám bệnh liên quan. Hầu hết bệnh nhân lao xương khớp được phát hiện và điều trị ở giai đoạn tiến triển, khi triệu chứng lâm sàng đã rõ ràng và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.
2.1. Triệu chứng bệnh lao xương khớp
Tình trạng lao do vi khuẩn sẽ gây đồng thời triệu chứng tại vị trí xương khớp tổn thương và triệu chứng toàn thân.
Triệu chứng lao xương khớp tại chỗ:
  • Sưng, cứng tại xương khớp bị lao: Vị trí tổn thương xương khớp bị sưng to nhưng không đỏ, nóng như trong các bệnh viêm xương khác. Ngoài ra, người bệnh còn bị hạn chế cử động như cúi, ngửa, nghiêng, gấp, duỗi các chi.
  • Đau tại chỗ: Đây là triệu chứng thường gặp nhất mà bệnh lao xương gây ra, đau tại vị trí tổng tương và tăng lên khi vận động, gắng sức. Lao xương khớp thường gặp ở xương cột sống, khiến bệnh nhân bị đau lưng nghiêm trọng, đặc biệt là khi về đêm.
  • Áp xe lạnh: Đây là triệu chứng do tổn thương lao khá thường gặp, khi mủ và tổ chức hoại tử cùng với mảnh xương chết tích tụ lại tạo thành ổ áp xe kín. Khi khám lâm sàng tại vị trí ổ áp xe sẽ thấy tình trạng bùng nhùng, chứa dịch cạnh khớp. Cần dẫn lưu loại bỏ ổ áp xe, tránh tình trạng chúng tự vỡ ra để lại lỗ dò.
Triệu chứng toàn thân
Người bệnh thường gặp tình trạng: sụt cân, cơ thể mệt mỏi, da xanh xao, thường sốt về chiều, đổ nhiều mồ hôi về đêm, kém ăn uống,…



2.2. Biến chứng bệnh lao xương khớp
Bệnh nhân lao xương khớp nếu phát hiện bệnh muộn, không điều trị tốt hoàn toàn có thể bị tàn phế tại vị trí tổn thương. Bên cạnh đó, sự chậm trễ trong điều trị hoặc điều trị không đúng cách có thể dẫn tới biến chứng nguy hiểm như:
  • Biến dạng xương: gù nhọn, xẹp đốt sống, chèn ép tủy sống, rễ thần kinh.
  • Biến chứng thần kinh: Liệt 2 chi dưới hoặc liệt hoàn toàn tứ chi.
  • Lao lan rộng: Khi vi khuẩn theo đường máu lan rộng gây lan ra nhiều cơ quan như phổi, màng não,…
  • Hạn chế vận động: bệnh nhân lao xương khớp, nhất là lao cột sống thường gặp khó khăn trong vận động, đặc biệt là hoạt động ngửa hoặc cúi.
  • Liệt cơ tròn: đây là biến chứng do áp xe lạnh chèn ép tủy sống.
  • Teo cơ vận động khớp.
  • Cắt cụt chi nếu tổn thương xương khớp không thể khắc phục và có nguy cơ lan rộng.

3. Chẩn đoán bệnh lao xương
Triệu chứng lâm sàng: Các triệu chứng của bệnh lao xương có thể mơ hồ trong giai đoạn đầu của bệnh. Việc nhận biết các dấu hiệu sớm có thể giúp bác sĩ hướng đến chẩn đoán.
  • X-Quang phổi, cột sống hay vị trí xương tổn thương.
  • Chọc hút mẫu bệnh phẩm từ vị trí lao xương và soi vi khuẩn.
  • Xét nghiệm Mantoux.
  • Công thức máu, đo tốc độ lắng máu.
  • CT Scan, MRI: Các phương tiện chẩn đoán hình ảnh này có thể giúp đánh giá tổn thương lao xương trên bệnh nhân cũng như giúp phát hiện các biến chứng của bệnh.
4. Điều trị
 Nguyên tắc chung:
  • Cố định đoạn cột sống tổn thương bằng cách nằm trên giường bột hay mang áo bột cột sống.
  • Sử dụng thuốc chống lao đúng nguyên tắc, kết hợp thuốc giảm đau, thuốc chống viêm và giãn cơ nếu cần.
  • Có các biện pháp nâng cao thể trạng.
  • Trường hợp can thiệp nội khoa vẫn phải sử dụng thuốc điều trị lao đúng nguyên tắc.
  • Chẩn đoán và điều trị càng sớm thì tiên lượng càng tốt.
Nguyên tắc điều trị thuốc chống lao:
  • Phối hợp các thuốc chống lao: cần phối hợp ít nhất 3 loại trong giai đoạn điều trị tấn công và ít nhất 2 loại trong giai đoạn duy trì.
  • Phải dùng thuốc đúng liều: các thuốc chống lao có tác dụng hiệp đồng, mỗi loại thuốc có nồng độ hiệu quả riêng, nếu dùng liều thấp gây kháng thuốc dùng liều cao sẽ ngộ độc. Do vậy cần dùng có hiệu quả.
  • Phải dùng thuốc đúng giờ: tất cả các loại thuốc đều tiêm hoặc uống hết liều cùng một lúc, vào lúc đói, buổi sáng để đạt hiệu quả hấp thu tối đa.
  • Cần dùng thuốc đủ thời gian: việc dùng thuốc cần tuân thủ theo giai đoạn điều trị tấn công 2-3 tháng, và giai đoạn duy trì từ 4-6 tháng
Phối hợp chế độ ăn uống nhiều đạm, vitamin, các thuốc tăng cường sức khỏe,nghỉ ngơi hợp lý.
Cần thường xuyên kiểm tra tình trạng toàn thân, tổn thương tại chỗ, sự tiến triển của bệnh và tai biến của thuốc.
5. Phòng ngừa
  • Lối sống, dinh dưỡng: ăn uống đủ chất dinh dưỡng để tăng cường đề kháng, hạn chế đi đến những nơi đông đúc, bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia, cà phê,...
  • Quản lý bệnh nhân mắc bệnh lao hợp lý để tránh lây lan ra cộng đồng.
  • Người tiếp xúc thường xuyên với bệnh nhân lao cần được tầm soát lao phổi bằng cách xét nghiệm đờm và chụp X-Quang phổi.
  • Bệnh nhân lao xương phải tuân thủ điều trị để tránh kháng thuốc và tái phát.

Bệnh học liên quan

Xem thêm