icon icon icon icon
REHA YOGA Tìm kiếm

Bệnh học

_banggia

ĐIỀU TRỊ THOÁI HÓA KHỚP GỐI BẰNG PHƯƠNG PHÁP TIÊM HUYẾT TƯƠNG GIÀU TIỂU CẦU (PRP)

Người đăng: Bùi Hương -
ĐIỀU TRỊ THOÁI HÓA KHỚP GỐI BẰNG PHƯƠNG PHÁP TIÊM HUYẾT TƯƠNG GIÀU TIỂU CẦU (PRP)
1. Tìm hiểu chung
1.1. Huyết tương giàu tiểu cầu tự thân là gì?
Huyết tương giàu tiểu cầu tự thân (PRP: Platelet Rich Plasma) là huyết tương có nồng độ tiểu cầu cao gấp nhiều lần so với huyết tương trong máu bình thường, huyết tương này được tách chiết từ máu của chính bệnh nhân. Cần một nồng độ lớn tiểu cầu trong liệu pháp PRP vì khi tiểu cầu được hoạt hóa sẽ dẫn đến quá trình ly giải các hạt α chứa bên trong tiểu cầu, từ đó giải phóng ra nhiều loại protein là các cytokine chống viêm và nhiều các yếu tố tăng trưởng (growth factor) có vai trò quan trọng đối với quá trình làm lành vết thương.
1.2. Tác dụng của huyết tương giàu tiểu cầu tự thân
Các cytokin và các yếu tố tăng trưởng được giải phóng từ tiểu cầu sẽ gắn vào các thụ thể (receptor) của các tế bào đích tương ứng như tế bào nguồn gốc trung mô, nguyên bào xương, nguyên bào sợi, tế bào biểu mô, tế bào nội mô… Sự kết hợp này sẽ hoạt hóa một loại protein dẫn truyền tín hiệu nội bào để truyền thông tin tới gen đặc hiệu tương ứng, kết quả là tạo nên sự tăng sinh tế bào, hình thành nên chất căn bản, các sản phẩm dạng xương, sụn, tổng hợp collagen… tham gia vào quá trình sửa chữa, tái tạo tổ chức tổn thương sụn, xương, phần mềm… Liệu pháp PRP tự thân được sử dụng để điều trị bệnh thoái hóa khớp gối, chấn thương thể thao, viêm gân và các điểm bám tận, kích thích lành vết thương phần mềm cũng như làm nhanh liền xương sau phẫu thuật.
1.3. Cách tách chiết huyết tương giàu tiểu cầu tự thân
Lấy khoảng 20-50ml máu tĩnh mạch từ chính người bệnh, sau đó tiến hành quay ly tâm máu ba lần trong khoảng 15 phút để loại bỏ hồng cầu, bạch cầu, thu về lượng huyết tương có nồng độ tiểu cầu gấp 4-8 lần so với huyết tương bình thường.


2. Chỉ định và chống chỉ định của PRP
2.1. Chỉ định
Bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối giai đoạn II, III,IV theo Kellgren và Lawrence (1987) không đáp ứng với các biện pháp điều trị thông thường.
Nhìn chung, dưới đây là những nhóm thường được ưu tiên: (5)
  • Người bệnh trẻ tuổi bị thoái hóa khớp giai đoạn đầu.
  • Người bệnh đã thử tất cả các phương pháp điều trị như nghỉ ngơi, vật lý trị liệu… nhưng vẫn không đạt được hiệu quả cải thiện.
  • Tình trạng đau nhức xương khớp ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hàng ngày.
  • Người bệnh mẫn cảm với thuốc chống viêm (NSAID) hoặc nhận thấy NSAID không đem lại tác dụng giảm đau.
  • Liệu pháp tiêm steroid không mang lại hiệu quả hoặc người bệnh không thể tiêm steroid.
2.2. Chống chỉ định
- Bệnh nhân có rối loạn đông máu
- Đang có nhiễm khuẩn vùng da vị trí tiêm khớp
- Có biểu hiện nhiễm khuẩn khớp
- Bệnh nhân đang có sốt.
3. Liệu trình điều trị
Liệu trình tiêm PRP gồm ba lần tiêm. Mỗi lần tiêm cách nhau hai tuần. Lưu ý, đa số các trường hợp, sau một, hai lần tiêm không có sự chuyển biến nhiều mà cần thêm một khoảng thời gian sau khi tiêm đủ liều mới có sự thuyên giảm triệu chứng. Thời gian phục hồi có thể là hai tuần hoặc kéo dài đến vài tháng sau một liệu trình điều trị, tùy mức độ tổn thương và tùy từng trường hợp cụ thể.

4. Kỹ thuật tiêm PRP
Thủ thuật phải được tiến hành trong buồng vô khuẩn và tuân thủ chặt chẽ quy trình vô khuẩn do các bác sĩ chuyên khoa có chứng chỉ tiêm khớp tiến hành. Có thể tiêm mù hoặc dưới hướng dẫn của siêu âm để đảm bảo đầu kim nằm trong khoang khớp.
Vị trí tiêm: bệnh nhân ở tư thế nằm.
- Tiêm mặt trước khớp gối: gối gấp 90 độ, ở hõm khớp dưới xương bánh chè, chọc kim sát bờ trong hoặc bờ ngoài gân bánh chè cách bờ dưới xương bánh chè 1cm luồn kim xuống dưới xương bánh chè.
- Tiêm mặt ngoài hoặc mặt trong khớp gối: bệnh nhân được kê một gối dưới khoeo, vị trí chọc kim dưới góc trên ngoài hoặc góc trên trong xương bánh chè 1cm.

5. Tai biến  khi tiêm và cách xử trí
- Biến chứng hiếm gặp: do người bệnh quá sợ hãi. Biểu hiện kích thích hệ phó giao cảm: người bệnh choáng váng, vã mồ hôi, ho khan, có cảm giác tức ngực khó thở, rối loạn cơ tròn, huyết áp tụt... xử lý:  đặt bệnh nhân nằm đầu thấp, giơ cao chân, theo dõi mạch, huyết áp để có các biện pháp xử lý cấp cứu khi cần thiết.
- Nhiễm khuẩn khớp, phần mềm quanh khớp do thủ thuật tiêm (viêm mủ): biểu hiện bằng sốt, sưng đau tại chỗ, tràn dịch khớp. Xử trí: hút dịch khớp, làm xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm dịch khớp và điều trị theo phác đồ viêm khớp nhiễm khuẩn.
- Đau sau tiêm: Ngay sau khi tiêm, khớp tiêm sẽ có phản ứng sưng, căng, đau hơn. Tuy nhiên, triệu chứng này thuyên giảm và hết sau vài ngày, có thể làm giảm nhanh bằng chườm lạnh.
Những bệnh nhân bị rối loạn đông máu thì chống chỉ định điều trị bằng liệu pháp PRP. Nếu bị nhiễm trùng da tại vị trí tiêm, cần điều trị dứt điểm mới được tiêm PRP. Những trường hợp mắc bệnh mạn tính, tuổi cao… có hiệu quả điều trị thường kém.
 

Bệnh học liên quan

Xem thêm